Ở nơi nhà khoa học đồng hành với “chuỗi giá trị”

Rate this post

VNTN – “Phải thay đổi tư duy”, ấy là điều luôn được đặt ra đối với Viện Khoa học sự sống – Đại học Thái Nguyên, đơn vị tự chủ về tổ chức cán bộ, công việc và tài chính. Đây vừa là thách thức, song cũng là cơ hội để họ – những nhà nghiên cứu được tự do sáng tạo, đi đến tận cùng chuỗi giá trị và thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu, chứ không dừng lại ở những công bố hay đề tài “đút ngăn kéo tủ”. 

Đương đầu với khó khăn

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Nguyên năm 2018 hồi đầu tháng 7 vừa qua, sản phẩm Đông trùng hạ thảo của Viện Khoa học sự sống vinh dự là một trong những sản phẩm được lựa chọn trưng bày giới thiệu. Sản phẩm là kết quả nghiên cứu khoa học của nhóm 4 thành viên do PGS.TS Dương Văn Cường, Trưởng bộ môn Sinh học phân tử – Công nghệ gen chủ trì; là thành quả sau bao nỗ lực thực hiện, có những lúc thất bại tưởng phải dừng lại.

Thời điểm năm 2013, Bộ môn Sinh học phân tử – Công nghệ gen chỉ chuyên về thí nghiệm khoa học phân tử, nghiên cứu công nghệ gen, xác định những loại vi sinh vật hay định danh gen, giám định ADN… Khối lượng công việc không lớn, hiệu suất sử dụng máy không cao. Buộc những con người ở đây phải suy nghĩ làm cái gì đó. Và họ nảy ra ý tưởng làm đông trùng hạ thảo – một loại nấm dược liệu quý hiếm, có nhiều tác dụng tốt đối với sức khỏe con người.

Viện trưởng Trần Văn Phùng (bìa trái), PGS.TS Dương Văn Cường (bìa phải) cùng đồng nghiệp và sản phẩm đông trùng hạ thảo nuôi trồng thành công.

 

Nhưng ngay từ đầu nhóm đã vấp phải thách thức. Từ thầy Trưởng bộ môn đến các cán bộ cùng triển khai đề tài đều chỉ chuyên về mảng sinh học phân tử và công nghệ gen; nay phải bước sang một lĩnh vực hoàn toàn mới là nấm. Họ gần như bắt đầu từ con số 0, lại phải bỏ tiền túi góp vốn đầu tư. Vậy mà không một ai nản lòng. “Ban đầu chúng tôi nghĩ có thể sẽ mất hết nhưng vẫn làm. Bởi thời gian trôi rất nhanh, tuổi trẻ chẳng có mấy, thay vì ngồi nghĩ thì cứ xông ra mà làm”, PGS. TS Dương Văn Cường không ngại thành thật.

Thứ họ có là tư duy mạch lạc của những nhà khoa học, những kiến thức background (nền tảng) tích lũy được để tiến thẳng tới lĩnh vực hoàn toàn mới ấy, nhưng bằng cách tiếp cận bài bản và khoa học. Tức là đi từ gốc vấn đề. Nhóm trực tiếp lên dữ liệu quốc tế NCBI, tìm kiếm và đi theo chỉ dẫn của những bài báo uy tín tại đó. Chủng giống được chọn mua ở Ngân hàng vi sinh vật của Đức và Nhật. Có được giống gốc, nhóm tiến hành nghiên cứu phân lập tuyển chọn chủng giống, nghiên cứu quy trình và môi trường nuôi trồng.

Quá trình thực hiện, nhóm gặp rất nhiều khó khăn trong việc tối ưu hóa điều kiện phòng nuôi. Đông trùng hạ thảo ngoài tự nhiên sinh trưởng, phát triển trong điều kiện khí hậu lạnh khắc nghiệt, ở độ cao 3.500m – 5.000m. Khi tiến hành nuôi, nhóm phải tự set-up (thiết lập) phòng nuôi có các điều kiện môi trường sao cho giống với tự nhiên nhất. Nguồn vốn hạn hẹp, phải mua đồ tự làm phòng ốc, tự lắp ráp, chế tạo một số thiết bị máy móc cần thiết mà đơn vị không có… Tất cả là để tiết kiệm tối đa chi phí. Nhưng để ra được sản phẩm, không biết bao nhiêu lần “làm và đổ đi”. Số tiền bỏ ra sau những lần nghiên cứu, thử nghiệm thất bại, họ gọi đó là “học phí” giá cao.

“Làm Đông trùng hạ thảo, điều quan trọng nhất là sản xuất giống gốc. Bởi đây là loại nấm rất khó tính, thoái hóa giống liên tục. Để ổn định được công nghệ phải mất một năm bên mình mới có sản phẩm ra thị trường nhưng phải mất năm rưỡi mới ổn định sản xuất. Có đợt bên mình sản xuất đến 4.000 bình nấm nhưng mà bị nhiễm, không lên một sợi nào, phải bỏ đi hết”, chị Ma Thị Trang, thành viên của nhóm chia sẻ.

Khi đã nuôi trồng, sản xuất thành công nấm đông trùng hạ thảo, nhóm không chỉ dừng lại ở việc đưa ra thị trường sản phẩm thô (gồm quả thể nấm tươi, nấm sấy khô hay nấm mọc trên giá thể nhộng tằm đảm bảo chất lượng, lại có giá rẻ hơn 10-20 lần sản phẩm trong tự nhiên) mà còn tiến tới sản phẩm tinh chế (dạng trà túi lọc, trà tan, viên nang), nghĩa là đi đến cùng chuỗi giá trị của sản phẩm.

Họ giống như một đơn vị Start-up (khởi nghiệp) vậy. Cứ đi từng bước, sai đâu sửa đấy và luôn quyết tâm “không có gì là không thể”, đó là cách mà họ đương đầu với thử thách.

Vì sao phải thay đổi?

Bộ môn Sinh học phân tử – Công nghệ gen với sản phẩm Đông trùng hạ thảo nay đã xây dựng được thương hiệu riêng (CordyHappyTM) và được thị trường đánh giá tốt là một trong số rất nhiều những câu chuyện về sự khó khăn, thách thức khi quyết định thay đổi tư duy ở Viện Khoa học sự sống. Vậy vì sao Viện phải lựa chọn con đường khó khăn đó?

Viện được thành lập năm 2008, trên cơ sở Phòng Thí nghiệm trung tâm Trường Đại học Nông Lâm; gồm 5 bộ môn: Hóa sinh, Công nghệ tế bào, Sinh học phân tử & Công nghệ gen, Công nghệ vi sinh và Sinh thái môi trường; với các chức năng nhiệm vụ chính: Nghiên cứu khoa học; Chuyển giao công nghệ vào sản xuất; Phục vụ đào tạo; Dịch vụ khoa học công nghệ. Nhưng lại sinh ra vào đúng thời kì Chính phủ có Nghị định số 115/2005/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập, nên Viện không có ngân sách Nhà nước cấp. Vậy làm thế nào để vừa thực hiện nhiệm vụ vừa “sống” được?

Hướng dẫn sinh viên nước ngoài làm việc tại Viện theo chương trình trao đổi sinh viên.

Câu trả lời là phải thay đổi tư duy.

Đột phá đầu tiên của Viện là hình thành thêm Phòng Phân tích hóa học đạt tiêu chuẩn VILAS/ISO 17025:2005, bằng cách gom tất cả các thiết bị thuộc nhóm phân tích lại với nhau, và chủ trương là dịch vụ khoa học công nghệ để tự trang trải kinh phí.

Đột phá thứ hai là cho phép các bộ môn tư duy phát triển theo hướng mà mình muốn nhưng phải đi đến mục đích cuối cùng là thương mại hóa được sản phẩm. “Các sản phẩm nghiên cứu của các nhóm ở Viện phải trả lời được các câu hỏi: Anh nghiên cứu để làm gì? Có thành công hay không? Và thành công thì anh thu được cái gì? Nếu anh chỉ thu được một bài báo khoa học thì chưa đủ, bắt buộc phải đặt câu hỏi có thể kinh doanh sản phẩm đó được không? Hoặc tôi có thể bán cái công nghệ đó cho ai được không?”, PGS.TS Trần Văn Phùng, Viện trưởng Viện Khoa học sự sống nhấn mạnh.

Từ đột phá này, Viện đã có nhiều nghiên cứu cho ra các sản phẩm, chuyển giao công nghệ phục vụ nhu cầu thực tiễn của cuộc sống. Như quy trình sản xuất nhân giống nấm dược liệu (linh chi, đông trùng hạ thảo), giống lan dược liệu (lan kim tuyến, lan thạch hộc tía), các loại cây giống nuôi cấy mô (chuối, ba kích, bạch đàn, keo, đồng tiền, dâu tây và khoai môn); sản xuất các sản phẩm bảo vệ sức khỏe được đánh giá có chất lượng cao như: ngoài sản phẩm Đông trùng hạ thảo kể trên còn có sản phẩm nấm linh chi dạng thô (nấm nguyên tai, thái lát) và tinh chế (trà túi lọc, trà tan, viên nang, cao),…

Khi có được các sản phẩm và muốn đưa ra thị trường để kinh doanh thì đây là cả một thách thức lớn đối với Viện Khoa học sự sống. Chia sẻ về điều này, Viện trưởng Trần Văn Phùng tâm sự: Mặc dù Chính phủ có chủ trương muốn đổi những viện nghiên cứu thành những doanh nghiệp công nghệ. Nhưng thực tế, nhiều người chỉ nghĩ Viện là nơi nghiên cứu khoa học chứ không phải là nơi mua bán gói trà này, sản phẩm kia. Họ sẽ phân vân tại sao một Viện nghiên cứu lại đi bán hàng? Nó gây ra cảm giác quan ngại khiến thị trường khó chấp nhận, bản thân mình cũng cảm thấy không thoải mái. Giải pháp được đưa ra là kêu gọi mọi người trong Viện cùng hùn vốn thành lập công ty.

Năm 2015, Công ty Nghiên cứu và Phát triển Dược liệu miền núi ra đời, sau đổi tên thành Công ty cổ phần Khoa học sự sống với sứ mệnh là nơi phát triển các sản phẩm khoa học công nghệ của Viện.

Đây chính là đột phá thứ ba cũng là sự thay đổi tư duy vấp phải nhiều thách thức nhất. “Nghiên cứu khoa học đã khó, làm doanh nghiệp càng khó, bọn mình đụng một lúc vào hai thứ khó, cho nên bắt buộc phải đa-zi-năng”. Sự đa-zi-năng mà PGS.TS Trần Văn Phùng chia sẻ ấy là “mỗi người phải giống như cái mỏ – lết chứ không phải cái cờ -lê”, không chỉ làm một việc mà phải 3, 4 việc khác nhau: lúc vào phòng nghiên cứu, khi hướng dẫn sinh viên, lúc phụ trách nhóm, khi lại đi bán hàng… Họ không ngại một việc gì, tất cả cùng xắn tay vào làm, cùng hỗ trợ, chia sẻ lẫn nhau.
Giờ thì để trả lời câu hỏi vì sao họ phải thay đổi, đơn giản là để “sống”, nuôi dưỡng niềm đam mê nghiên cứu và phát triển khoa học.

Vẫn chưa hết trăn trở

Sau bao nỗ lực, Viện Khoa học sự sống đã ít nhiều thu được trái ngọt. Trong 5 năm gần đây, Viện đã chủ trì 05 đề tài, dự án cấp Nhà nước; 03 đề tài, dự án cấp Bộ; 13 đề tài cấp tỉnh; 10 đề tài cấp Đại học; 16 đề tài cấp cơ sở. Với tổng kinh phí của các đề tài gần 13,5 tỷ đồng. Tính riêng từ năm 2011-2016, Viện đã phân tích trên 10 nghìn mẫu sản phẩm nông sản trên địa bàn khu vực miền núi phía Bắc và thu được hơn 5,1 tỷ đồng. Viện cũng đã liên kết với Công ty cổ phần Công nghệ sinh học sản xuất nước uống tinh khiết cho giáo viên, sinh viên trong Đại học Thái Nguyên và nhân dân trong và ngoài tỉnh Thái Nguyên…

Dù có được những kết quả trên, song Viện trưởng Trần Văn Phùng chia sẻ: “Chúng tôi có được kết quả như thế này vẫn chưa phải là mĩ mãn, chưa là cái gì cả, chỉ ở giai đoạn đủ ăn đủ tiêu, có tích cóp và đóng góp cho Nhà nước một chút, chứ thật ra vẫn chưa hết khó khăn”.

Các sản phẩm của Viện được đầu tư, phát triển bởi Công ty Khoa học sự sống.

 

Khi được hỏi về những trăn trở, PGS.TS Trần Văn Phùng đã kể hai câu chuyện trong một lần công tác của ông. Đó là vào năm 2008, ông sang làm việc một tháng tại một phòng nghiên cứu của Trường Đại học Bách khoa Turin (Ý). Phòng nghiên cứu nơi ông làm việc được trang bị rất tốt, họ không chỉ có nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học mà còn có một nhiệm vụ nặng nề là kiểm soát toàn bộ chất lượng nước cung cấp cho thành phố Turin với 3,6 triệu dân. Và được nhận về 0,04% tổng giá thành tiền nước sinh hoạt của người dân thành phố Turin trả cho công ty nước. Cũng thời gian đó, ông đến thăm một phòng thí nghiệm tư nhân, nơi được giao nhiệm vụ kiểm soát toàn bộ thịt từ các nước châu Phi nhập vào khu vực phía đông của Ý, và được Hải quan trả cho một khoản tiền đủ để duy trì phòng thí nghiệm và trả lương cho nhân viên ở đấy.

“Tôi kể hai câu chuyện này để nói lên mong muốn xây dựng một Viện nghiên cứu đủ mạnh về con người, vật tư và cơ chế hoạt động. Để làm được điều này, chúng tôi rất mong Chính phủ, Nhà nước cho chúng tôi cái thứ 3, đó là tạo cơ chế để có công ăn việc làm. Đơn cử như Phòng Phân tích hóa học của chúng tôi có thể giúp đánh giá, kiểm tra chất lượng nước máy cung cấp cho cả thành phố Thái Nguyên và được trả một khoản nào đó trong số tiền nước mà người dân nộp. Bởi không thể có người khoa học giỏi, có thiết bị mà lại không có công ăn việc làm”.

Những trăn trở đầy trách nhiệm với cộng đồng ấy của các nhà khoa học liệu có được thực hiện không? Và nếu nguồn nước sinh hoạt của cả thành phố được đảm bảo chất lượng bởi một cơ sở đầy đủ điều kiện kiểm định, thì người dân sẽ mừng biết chừng nào, nhất là khi giờ đây, trong bếp nhà nào cũng phải sắm một máy lọc nước để loại bớt tạp chất không nên có trong nước.

***
Đổi mới là xu thế tất yếu đối với mọi lĩnh vực, nhất là khoa học kĩ thuật lại càng phải đổi mới liên tục và không ngừng. Viện Khoa học sự sống không nằm ngoài quy luật ấy. Chủ động thay đổi tư duy, chấp nhận đương đầu với thử thách, bởi họ hiểu một điều: Con người không có tư duy dẫn dắt như người mù trên đường, biết đâu là phương hướng. Thay đổi tư duy là thay đổi một đôi mắt sáng hơn, để nhìn rõ con đường cần phải đi!.

Bích Hồng

Báo Văn nghệ Thái Nguyên