Nhiều bạn đọc gửi thư đến tòa soạn hỏi về công dụng chữa bệnh ung thư của Đông trùng Hạ thảo. Xin giới thiệu bài viết của GS.TS. Phạm Xuân Sinh – Đại học Dược Hà Nội về vấn đề này.
Cần phân biệt thật, giả
Đông trùng hạ thảo từ lâu được xếp vào loại thuốc quý hiếm của Đông y, có tác dụng “cải lão hoàn đồng” hay “hồi xuân, sinh lực”. Tuy nhiên, nguồn gốc của vị thuốc này khá đặc biệt, do một loài nấm (Cordiceps sinensis (Berk.) Sacc.), nhóm (Ascomycetes), ký sinh vào ấu trùng của một vài loài bướm trong Chi (Thitarodes Viette), trên thực tế có tới hàng chục loài ấu trùng của các loài bướm khác nhau. Tuy nhiên, các loài ấu trùng đó lại chỉ tồn tại ở trên các cao nguyên có độ cao trung bình từ 4.000 – 5.000m so với mặt biển, như các cao nguyên thuộc vùng Tây Tạng, Tứ Xuyên, Thanh Hải, Vân Nam… của Trung Quốc.
Các ấu trùng này lại sống bằng cách chỉ ăn rễ non của một loài cây họ Nghể (Polygonacea). Như vậy, để có được đông trùng hạ thảo chính danh, phải đáp ứng ít nhất 4 yếu tố: phải có nấm Cordiceps, phải có ấu trùng của loài bướm, phù hợp với việc ký sinh của nấm nói trên, phải ở độ cao nhất định và phải có thức ăn là rễ non của một loài cây phù hợp. Do vậy, giá thành của đông trùng hạ thảo cũng khá đắt. Vì vậy trên thị trường đã xuất hiện nhiều đông trùng hạ thảo giả, bằng cách dùng các khuôn mẫu có hình dáng giống đông trùng hạ thảo sau đó pha trộn màu sắc tương tự với đông trùng hạ thảo vào các loại bột ngô, sắn… hoặc thạch cao, thậm chí là dùng cả con tằm sấy khô rồi tạo dáng. Cho nên người mua cũng cần phải có những kiến thức nhất định để phân biệt.
Tại sao đông trùng hạ thảo lại quý như vậy?
Loại thuốc này có chứa các thành phần hoạt chất khá phong phú: 17 loại acid amin, trong đó có nhiều loại cần thiết đối với cơ thể, lại có các thành phần quan trọng như cordiceptic, adenosin…, đặc biệt lại có chất HEAA (hydroxy-ethyl – adenosin- analogs), giàu vitamin C, B2, B12, E. Các nguyên tố vi lượng Al, Si, K, Na…
Theo YHCT, đông trùng hạ thảo có vị ngọt, tính bình, quy kinh phế, thận, với công năng bổ phế, ích can, thận, bổ tinh tủy, bổ dưỡng tạng phủ, chỉ huyết, hóa đàm. Do vậy mà trong Đông y vị thuốc được dùng trị các bệnh viêm phế quản, ho lâu ngày, ho ra máu, hen suyễn, ho lao, có thể dùng riêng hoặc phối hợp với bối mẫu, sa sâm, hạnh nhân, mạch môn…, sắc uống; hoặc các bệnh về thận tinh như liệt dương, di tinh, tảo tiết, đau lưng, mỏi gối, có thể dùng dưới dạng bột, uống riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc bổ thận khác như đỗ trọng, ba kích, nhục thung dung, thỏ ty tử… dưới dạng thuốc sắc, thuốc ngâm rượu hoặc thuốc hoàn.
Nếu dùng dưới dạng thuốc sắc, nên đem đông trùng hạ thảo sấy khô ở nhiệt độ khoảng 50 – 60oC, tán bột mịn, rồi dùng thuốc sắc để chiêu bột này. Do có tác dụng chống khối u và tăng cường miễn dịch, ngày nay, đông trùng hạ thảo còn được dùng làm thuốc hỗ trợ điều trị các bệnh có khối u, bệnh ung thư hoặc sau xạ trị của bệnh ung thư, cho kết quả khả quan. Liều dùng chung của vị thuốc từ 3 – 9g/ngày.
Tác giả bài viết: GS.TS Phạm Xuân Sinh
Nguồn: Báo Sức khỏe và Đời sống – Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế