Đông trùng hạ thảo và rối loạn tình dục

5/5 - (1 bình chọn)

Đông trùng hạ thảo có thực sự giúp ích nhiều cho đời sống tình dục hay không? ngoài ra nó còn có công dụng gì khác? Những diễn giải dưới đây sẽ giúp độc giả hiểu sâu hơn về vấn đề này.

Thời buổi kinh tế phát triển, đời sống vật chất được nâng cao thì nhu cầu sử dụng các vị thuốc quý của đông y nhằm bồi bổ sức khỏe và kéo dài tuổi thọ ngày càng lớn. Với cánh “mày râu” thì những dược liệu có khả năng cải thiện đời sống sinh lý, xem ra được ưa dùng hơn cả. Bởi thế, ngoài những vị thuốc bổ truyền thống của Đông y như: nhân sâm, nhung hươu, cao hổ cốt…, người ta còn gắng tìm các dược liệu giàu tính “Viagra” như dâm dương hoắc, nhục thung dung, ba kích… và trong đó có một thứ gần đây được chú ý nhiều đó là Đông trùng hạ thảo.

Đông trùng hạ thảo là gì?

Đông trùng hạ thảo, còn gọi là trùng thảo, hạ thảo đông trùng hay đông trùng thảo, là một giống nấm mọc ký sinh trên con non của một loại sâu thuộc họ Cánh bướm. Nấm và sâu hợp sinh với nhau: vào mùa đông, con sâu non nằm ở dưới đất, nấm phát triển vào toàn thân con sâu để hút chất dinh dưỡng làm cho con sâu chết; đến mùa hạ, nấm sinh cơ chất (stroma) mọc chồi khỏi mặt đất nhưng gốc vẫn dính liền vào đầu sâu. Người ta thường đào lấy tất cả xác sâu và nấm mà dùng làm thuốc. Vì mùa đông là con sâu, mùa hạ lại thành cây cỏ nên vị thuốc này có tên là Đông trùng hạ thảo.

Thành phần hóa học

Đông trùng hạ thảo chứa 25 – 32% protid (gần đây có thông báo cho rằng tỉ lệ này đạt tới 44,26%), khi thủy phân cho tới 14 – 19 axít amin khác nhau như: aspartic acid, glutamic acid, serine, histidine, glucine, threonine, arginine, tyrosine, alanine, triptophane, methionine, valine, phenylalanine, isoleucine, leucine, ornithine, lysine…; 8,4% chất béo; 7 – 29% D-manitol; các vitamin như: A, B1, B2, B12, C và các nguyên tố vi lượng: Na, K, Ca, Mg, Al, Mn, Cu, Zn, Bo, Fe, Tc… trong đó cao nhất là phosphorum. Ngoài ra, cón có các chất khác như uracil, adenine, adenine nucleoside, ergosterol, cholesteryl palmitate…

Tác dụng dược lý

Tuy nhiều vấn đề còn phải tiếp tục làm rõ, nhưng cho đến nay các nhà khoa học đã nghiên cứu và nhận thấy Đông trùng hạ thảo có tác dụng dược lý khá phong phú:

  1. Đối với hệ thống miễn dịch, những nghiên cứu thực nghiệm đã chứng minh Đông trùng hạ thảo có khả năng tăng cường hoạt động miễn dịch tế bào cũng như miễn dịch dịch thể. Cụ thể là có tác dụng nâng cao hoạt tính của đại thực bào và tế bào NK, điều tiết phản ứng ứng đáp của tế bào lympho B, tăng cường một cách có chọn lọc hoạt tính của tế bào T ức chế, làm tăng nồng độ các kháng thể IgG, IgM trong huyết thanh. Mặt khác, Đông trùng hạ thảo còn là một vị thuốc ức chế miễn dịch có tác dụng chống sự bài loại tổ chức cấy ghép khá tốt.
  2. Đối với hệ thống tuần hoàn tim – não, Đông trùng hạ thảo có tác dụng làm giãn các mạch máu, làm tăng lưu lượng tuần hoàn não và tim thông qua cơ chế hưng phấn thụ thể M ở cơ trơn thành mạch. Mặt khác, Đông trùng hạ thảo còn có khả năng điều chỉnh rối loạn lipid máu: làm giảm cholesterol và -lipoprotein, hạn chế quá trình tiến triển của tình trạng vữa xơ động mạch.
  3. Đối với hệ hô hấp, Đông trùng hạ thảo có tác dụng bình suyễn, trừ đờm và phòng chống khí phế thũng. Điều này làm sáng tỏ quan điểm của cổ nhân cho rằng Đông trùng hạ thảo có khả năng “bảo phế ích thận” và “dĩ lao khái”.
  4. Đối với hệ thống nội tiết, trên động vật thực nghiệm Đông trùng hạ thảo có tác dụng làm tăng trọng lượng tuyến vỏ thượng thận và tăng quá trình tổng hợp các hoóc-môn của tuyến này (adrenocortical hormone), đồng thời cũng có tác dụng tương tự như hoóc-môn nam tính (androgen) và làm tăng trọng lượng của tinh hoàn cũng như các cơ quan sinh dục phụ trên động vật thực nghiệm.
  5. Ngoài ra, Đông trùng hạ thảo còn có tác dụng chống ung thư, chống viêm nhiễm, chống quá trình lão hóa và trấn tĩnh chống co giật.

Ứng dụng lâm sàng

Trên lâm sàng, các nhà y học cổ truyền trong và ngoài nước, đặc biệt là ở Trung Quốc, đã nghiên cứu dùng Đông trùng hạ thảo điều trị thành công khá nhiều chứng bệnh như rối loạn lipid máu (đạt hiệu quả 76,2%), viêm phế quản mạn tính và hen phế quản, viêm thận mạn tính và suy thận (đạt hiệu quả từ 44,4 – 70%), rối loạn nhịp tim (đạt hiệu quả 74,5%), cao huyết áp, viêm mũi dị ứng, viêm gan b mạn tính (đạt hiệu quả 70%), ung thư phổi (có tác dụng hỗ trợ) và thiểu năng sinh dục (đạt hiệu quả từ 31,57 – 64,15%). Viện nghiên cứu nội tiết Thượng Hải (Trung Quốc) cũng đã dùng Đông trùng hạ thảo điều trị cho các bệnh nhân bị liệt dương đạt kết quả khá tốt. Một số ví dụ cụ thể như sau:

  • Một nghiên cứu dùng viên nang Đông trùng hạ thảo, mỗi viên 0,25g, mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 5 viên, dùng liên tục trong 3 tháng để trị liệu 8 ca viêm gan mạn tính, đạt hiệu quả 75%.
  • Một nghiên cứu dùng bột Đông trùng hạ thảo, uống mỗi ngày 6g, chia 2 lần sáng và chiều, liên tục trong 30 ngày để trị liệu 18 ca suy thận mạn tính, kết quả 50 % số ca công năng thận chuyển biến tốt, 38,9% tình trạng thiếu máu được cải thiện, 65% công năng miễn dịch tế bào được nâng cao.
  • Một nghiên cứu dùng viên nang Đông trùng hạ thảo, mỗi viên 0,25g, mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 4 viên, dùng liên tục trong 30 ngày để trị liệu 16 ca cao huyết áp, đạt hiệu quả 62,5 %.
  • Một nghiên cứu dùng bột Đông trùng hạ thảo, mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 1g để trị liệu 273 ca có rối loạn lipid máu, đạt hiệu quả 74,7% (giảm cholesterol và triglycerid, tăng HDL-C).
  • Một nghiên cứu dùng viên nang Đông trùng hạ thảo uống mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 3 viên, mỗi liệu trình là 20 ngày, dùng liên tục 2 liệu trình để trị liệu 109 ca viêm phế quản mạn tính, kết quả đạt khá tốt.
  • Một nghiên cứu dùng viên nang Đông trùng hạ thảo, mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 1g, liên tục trong 40 ngày để trị liệu 197 ca suy giảm công năng tình dục, đạt hiệu quả 64,15%.
  • Một nghiên cứu dùng viên nang Đông trùng hạ thảo 0,25g, mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 2 viên, dùng liên tục trong 2 tuần để trị liệu 57 ca rối loạn nhịp tim, đạt hiệu quả 65%.
  • Một nghiên cứu dùng Đông trùng hạ thảo 15 – 30g đem hầm với thịt vịt để trị liệu chứng hư suyễn, đạt hiệu quả khá tốt.

Như vậy, có thể thấy Đông trùng hạ thảo quả thực là một trong những vị thuốc Đông y có khả năng cải thiện đời sống tình dục trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua tác dụng nâng đỡ và bồi dưỡng cơ thể. Điều này đã được y học cổ truyền biết đến từ rất sớm. Theo các sách thuốc cổ, Đông trùng hạ thảo vị ngọt, tính ấm, vào hai đường kinh Thận và Phế, có công năng dưỡng phế, bổ thận, ích tinh, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như phế hư khái suyễn, thận suy dương nuy (liệt dương), di tinh, lưng gối đau mỏi…

Một vài cách dùng Đông trùng hạ thảo thông dụng

Khó có thể kể hết các phương thuốc Đông y có sử dụng Đông trùng hạ thảo, nhưng để cải thiện và phòng chống các bệnh lý rối loạn tình dục có thể lựa chọn một số cách dùng thông dụng sau đây:

Rượu trùng thảo nhân sâm: Đông trùng hạ thảo và nhân sâm lượng bằng nhau ngâm trong rượu tốt, sau chừng 10 ngày thì dùng được, uống mỗi ngày 1 ly nhỏ. Công dụng: bổ thận tráng dương, dùng rất tốt cho những người bị suy nhược cơ thể, giảm sút ham muốn tình dục, liệt dương…

Rượu lộc nhung trùng thảo: nhung hươu 20g, Đông trùng hạ thảo 90g, hai thứ đem ngâm trong 1.500ml rượu tốt trong 10 ngày, uống mỗi ngày 20 – 30ml. Công dụng: ôn thận tráng dương, ích tinh dưỡng huyết, thường dùng cho người bị suy nhược cơ thể, thiếu máu, liệt dương, suy giảm tình dục…

Rượu kỷ tử trùng thảo: kỷ tử 30g, Đông trùng hạ thảo 30g, hai thứ đem ngâm với 500ml rượu trắng, sau 10 ngày thì dùng được, mỗi ngày uống 2 – 3 lần, mỗi lần 15ml. Công dụng: bổ ích can thận, ích khí sinh tinh, thường dùng cho người bị liệt dương, xuất tinh sớm…

Trà trùng thảo nhân sâm: Đông trùng hạ thảo 5g, nhân sâm 3 – 5g, hai thứ đem hãm với nước sôi trong bình kín, sau chứng 10 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Công dụng: bổ khí tráng dương, ích thận sinh tinh, dùng rất tốt cho những người bị suy giảm ham muốn tình dục, liệt dương, xuất tinh sớm, muộn con…

Canh đông trùng hùng áp: Đông trùng hạ thảo 10g, vịt đực 1 con, rượu trắng, gừng tươi, hạt tiêu và gia vị vừa đủ. Vịt làm thịt rồi bỏ Đông trùng hạ thảo vào trong bụng, đem hầm thật nhừ, khi được chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày, mỗi tuần dùng 1 lần. Công dụng: bổ phế thận, ích nguyên khí, thường dùng cho những người bị suy nhược cơ thể, mới ốm dậy, hay mộng tinh, di tinh, hoạt tinh, liệt dương, xuất tinh sớm…

Tác giả bài viết: ThS.BS. Hoàng Khánh Toàn

Nguồn: Báo Sức khỏe và Đời sống – Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế