Viện Khoa học sự sống – Mô hình hoạt động khoa học công nghệ tự chủ năng động

5/5 - (1 bình chọn)

Vào một ngày đẹp trời đầu tháng 4 năm 2018, chúng tôi có dịp đến thăm và làm việc với Viện Khoa học sự sống (KHSS), Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên. Viện được thành lập năm 2008, hiện có 4 phòng thí nghiệm và 1 trung tâm, với 36 cán bộ viên chức (CBVC), kể cả các chuyên gia làm việc bán thời gian. Từ khi thành lập, Viện hoạt động hoàn toàn theo cơ chế tự chủ về tài chính. Qua những năm ban đầu với nhiều khó khăn thách thức, Viện đã và đang từng bước khẳng định cơ chế tự chủ trong quản lý điều hành, tự chủ tài chính giúp hình thành lên một Viện nghiên cứu năng động với những cán bộ tâm huyết trong công việc thông qua cơ chế gắn kết chặt chẽ giữa đánh giá năng lực, sự đóng góp của mỗi cá nhân và quyền lợi mà họ được hưởng với số lượng và chất lượng của sản phẩm tạo ra từ vị trí công việc mà họ đảm nhận.

Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Trần Văn Phùng, Viện trưởng Viện KHSS cho biết, với các viện và trung tâm nghiên cứu nói chung để tồn tại và phát triển một cách bền vững trong điều kiện hiện nay thì trước tiên lãnh đạo và CBVC phải thay đổi nhận thức và chấp nhận khái niệm: Nghiên cứu khoa học là phải tạo ra thu nhập để đủ nuôi sống đội ngũ cán bộ làm khoa học. Chúng ta phải học tập các mô hình phát triển khoa học công nghệ của các doanh nghiệp là lấy nguồn thu từ sản xuất để đầu tư cho phát triển KHCN và KHCN phải phục vụ trở lại cho phát triển sản xuất. Với tư duy đó, Viện đã tổ chức tốt công tác tạo nguồn thông qua nhiều hình thức như xây dựng và đấu thấu đề tài dự án KHCN các cấp, khai thác tốt sản phẩm KHCN của các đề tài nghiên cứu của Viện cũng như các công nghệ hiện có để hình thành các sản phẩm có hàm lượng KHCN cao, được thị trường chấp nhận, hình thành doanh nghiệp KHCN để thúc đẩy việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu…

PGS.TS Trần Văn Phùng chia sẻ, trong năm 2017 vừa qua, Viện đã tham gia thực hiện 05 đề tài cấp nhà nước; 05 đề tài cấp bộ, tỉnh và một số đề tài cấp cơ sở. Trong đó, có đề tài phối hợp với công ty CP thuốc thú y Đức Hạnh Marphavet về “Công nghệ sản xuất Vắc xin đa giá phòng 03 bệnh viêm phổi ở lợn” với tổng kinh phí là 27,4 tỷ đồng; Dự án Hoàn thiện công nghệ nhân giống in vitro, nuôi trồng lan Thạch hộc tía (Dendrobium officinale Kimura et Migo) và tuyển chọn, nâng cao năng suất giống lợn Nậm Khiếu (Bắc Kạn – Thái Nguyên) thuộc Chương trình 592 với kinh phí 7,46 tỷ đồng; Đề tài quỹ gen cấp Nhà nước: “Khai thác và phát triển Gà Cáy Củm tại Cao Bằng và Hà Giang” với kinh phí 3,16 tỷ đồng…   Khác với nhiều đơn vị khác, các đề tài, dự án mà Viện là đơn vị chủ trì và các CBVC của Viện là chủ nhiệm đều có kế hoạch triển khai cụ thể trên cơ sở sử dụng tối đa nguồn lực của Viện trong triển khai.  Việc này vừa tạo công ăn việc làm cho các CBVC của Viện, vừa góp phần nâng cao trình độ của CBVC khi tham gia và quan trọng hơn là các đề tài dự án đã được triển khai hiệu quả, góp phần tạo các sản phẩm KHCN để thương mại hóa, tạo nguồn thu bền vững cho Viện. Các đề tài dự án đều được hội đồng nghiệm thu đánh giá cao, nâng cao uy tín của Viện với các đối tác và với các cơ quan tài trợ.

Ví dụ minh họa sinh động cho những thành quả nghiên cứu và chuyển giao của Viện trong năm vừa qua là đã tạo ra những sản phẩm khoa học công nghệ mang thương hiệu của Trường và Viện như 02 sản phẩm được đăng k‎ý sở hữu trí tuệ; các quy trình sản xuất nhân giống cây dược liệu, giống nấm dược liệu như Linh Chi, Đông trùng hạ thảo, lan Kim tuyến, lan thạch hộc tía… Đặc biệt, để phục vụ nhu cầu của xã hội, Viện đã tiến hành sản xuất các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, sản phẩm dược liệu có chất lượng cao như các loại Trà tan Linh Chi; Trà tan Đông Chi, Trà đông trùng hạ thảo, Trà túi lọc Linh Chi; các loại viên nang, cao lỏng từ các loại thảo dược… Các sản phẩm này đã được thương mại hóa trên thị trường và được người tiêu dùng đánh giá cao, góp phần quảng bá thương hiệu của Nhà trường, của Viện và đem lại nguồn thu đầu tư cho các nghiên cứu khoa học tiếp theo.

Kết thúc chuyến thăm Viện KHSS, chúng tôi cảm nhận rõ ràng sự thành công của Viện hôm nay gắn chặt với tâm huyết của nhiều cán bộ quản lý và cán bộ nghiên cứu và mô hình quản lý tiên tiến.  Đây thực sự là mô hình phát triển KHCN tự chủ năng động với phương thức quản lý các đề tài, dự án, mô hình kết gắn KHCN với sản xuất thực sự hiệu quả và cần sớm được nhân rộng.

Môt số hinh ảnh hoạt động của Viện KHSS:

Nguồn tin: Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên